Khuyến Du học hội” hiểu nôm na là Quỹ khuyến học của phong trào Đông Du. Những năm đầu thế kỷ XX, đối với các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việt Nam thì Nhật Bản là một thế giới mới lạ, đầy sức hấp dẫn. ==>> Xem thêm Cụ Nghè Ôn với căn cứ Đồng Thông Phan Bội Châu từ năm 1905 đã tổ chức và lãnh đạo phong trào Đông Du nhằm đến Nhật để học hỏi tìm cách duy tân cứu nước. Trong phong trào Đông Du ở Nam bộ ngày ấy có Nguyễn Thần Hiến là vị chí sĩ tham gia sôi nổi nhiệt tình. Nguyễn Thần Hiến sinh năm Bính Thìn (1856), quê quán ở xã Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên, nay là thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nguyễn Thần Hiến thường được gọi là Hội đồng Hiến. Sau gia đình Nguyễn Thần Hiến dời về sống ở Cần Thơ. Nguyễn Thần Hiến còn có tên là Nguyễn Như Khuê, tự là Phát Đình, hiệu là Chương Chu, bí danh là Hoàng Xương, cha ông là Nguyễn Như Ngươn làm Tri huyện ở Vĩnh Long và Tuần phủ ở Hà Tiên vào thời vua Tự Đức. Thời niên thiếu, Nguyễn Thần Hiến nổi tiếng thông minh và hiếu học, lại sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc có truyền thống Nho học, vì thế ông được học hành chu đáo. Tương truyền rằng những năm ở độ tuổi 20, Nguyễn Thần Hiến đã có vốn kiến thức rất uyên thâm chẳng khác gì các bậc đại khoa. Năm Ất Tỵ (1905) khi nhà ái quốc Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, ông đã nhiệt liệt hưởng ứng. Một trong những vấn nạn của phong trào là muốn Đông Du không thể không có tiền. Muốn có tiền là phải có quỹ. Tham gia phong trào, Nguyễn Thần Hiến đã sáng lập ra Quỹ “Khuyến Du học hội” nhằm vận động người đi học ở Nhật Bản và đài thọ cho học sinh. Từ việc tham gia Quỹ “Khuyến Du học hội” trên cơ sở đó tuyển chọn gây dựng phong trào yêu nước của tổ chức Đông Du tại miền Nam.
Là người có trách nhiệm hết lòng vì phong trào, nên khi gia nhập phong trào Đông Du, Nguyễn Thần Hiến đã góp một phần gia tài đồ sộ của mình giúp vào quỹ du học sinh. Số tiền ông ủng hộ vào công quỹ lúc bấy giờ đến 20.000 đồng (số tiền này tính đến thời điểm hiện nay có thể mua được trên 300 lượng vàng). Bởi tích cực hoạt động cho phong trào, năm 1908, ông bị thực dân Pháp và tay sai truy lùng gắt gao, trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Thần Hiến đã phải trốn ra nước ngoài theo đường Campuchia đến Thái Lan rồi sang Quảng Châu, đi Thượng Hải để bàn bạc thế sự với Phan Bội Châu. Những năm 1910-1913, Nguyễn Thần Hiến thường qua lại giữa Nhật Bản, Hồng Kông, Thượng Hải cùng các đồng chí mua khí giới gởi về nước giúp các lực lượng vũ trang khởi nghĩa. Thực dân Pháp thường bám sát những hoạt động của Nguyễn Thần Hiến, nhưng qua nhiều năm chúng vẫn chưa bắt được ông. Mãi đến ngày 16-3-1913, ông bị mật thám bắt tại Hồng Kông, sau đó, chúng đưa ông về giam tại Hà Nội. Chúng tra tấn Nguyễn Thần Hiến bằng nhiều cực hình, nhưng ông vẫn tỏ rõ ý chí bất khuất, ông tuyệt thực để phản đối chế độ lao tù của Pháp và đến ngày 26-1-1914 (tức mùng 1 Tết năm Giáp Dần) ông mất tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Chứng kiến cái chết bi hùng của ông, chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - người đồng chí và bạn tù với Nguyễn Thần Hiến đã có thơ khóc ông, trong đó có những câu: “Chín suối có thiêng hồn Tổ quốc Trăm năm còn tạc gánh tang bồng... Thôi để ngàn năm cho sắp bé Ngàn năm trong nước dấu anh hùng” Tấm lòng yêu nước của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến mãi mãi là niềm tự hào của Nam bộ nói chung và của nhân dân Hà Tiên - Rạch Giá nói riêng. THÁI GIA THƯ